Vừa qua, từ ngày 5/8 đến 15/8, Hiệp hội Cầu lông châu Á (BAC) làm việc đã cử chuyên gia tới để thực hiện các chương trình Shuttle Time ở Việt Nam, cụ thể là tại Hà Nội và Bắc Giang – hai địa phương có phong trào cầu lông rất mạnh.
Lớp học đã diễn ra hiệu quả với hai chương trình. Chương trình thứ nhất dành cho các HLV, giáo viên thể dục kiến thức về đào tạo cầu lông cơ bản. Chương trình thứ hai là chương trình dạy cầu lông cho trẻ em yêu thích môn thể thao này.
Chuyên gia Sambenthan Sivaperumal đã thực sự truyền được cảm hứng tới cả các học viên. Nhất là các em nhỏ đam mê cầu lông thì phương pháp giảng dạy của ông Sam là rất hiệu quả, hấp dẫn và rất dễ thực hiện.
Đại diện của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cho biết, những năm sau, chương trình này sẽ được triển khai lần lượt tại các địa phương khác.
Ông Sam cho biết: “Các học viên mọi lứa tuổi tại Việt Nam có sự đam mê và nhiệt tình rất lớn với cầu lông. Tôi rất thích khi được giảng dạy ở Việt Nam. Tôi mong rằng các bài tập mà tôi truyền thụ các bạn sẽ ứng dụng tốt để các tay vợt trẻ có được kỹ thuật cơ bản nhất, chính xác nhất và chơi thứ cầu lông tuyệt vời nhất. Tôi cũng sẽ đề xuất để những VĐV trẻ và HLV trẻ của Việt Nam sang Malaysia để tập luyện và học tập, đem những kiến thức huấn luyện hiện đại về.”
Theo thông tin từ Hiệp hội cầu lông châu Á và Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, Shuttle Time cũng được bổ sung bởi Dự án BASE (thiết bị hỗ trợ chương trình) để làm cho cầu lông là môn thể thao có thể thực hiện các trường học và cơ sở giáo dục trên toàn châu Á. Chính vì vậy mà sẽ có hàng trăm cây vợt cầu lông, lưới cầu, quả cầu dành cho trẻ em sẽ được phân phối cho các trường học một cách hợp lý nhất.
Chương trình này hiện thực hóa ý tưởng của BWF và BAC muốn phổ biến cầu lông phong trào ở mọi miền đất trên thế giới thông qua các hiệp hội thành viên.
Tại Hà Nội, đã có 180 học viên tham dự. Tại Bắc Giang, đã có hơn 140 học viên tham gia học tập.
Học viên nổi tiếng nhất của Shuttle Time ở Việt Nam chính là ông Phạm Văn Vũ – HLV đầu tiên của Vũ Thị Trang, tay vợt nữ mạnh nhất Việt Nam hiện nay. Ông Phạm Văn Vũ – người đã mở “lò” đào tạo cầu lông miễn phí cho trẻ em tại Bắc Giang, người đã phát hiện được rất nhiều hạt giống tốt cho cầu lông Việt Nam cho biết: “Những bài tập của chuyên gia rất hay, độc đáo và rất dễ thực hiện. Tôi sẽ sớm áp dụng vào những bài tập tại sân cầu lông của tôi. Rất mong những lớp học như vậy sẽ diễn ra thường xuyên hơn.”